Kinh nghiệm bảo dưỡng và vệ sinh điều hòa xe ô tô
Hệ thống điều hoà ô tô gồm nhiều bộ phận. Mỗi bộ phận có cấu tạo và nguyên lý làm việc riêng. Do đó việc bảo dưỡng, vệ sinh định kỳ cũng sẽ khác nhau.
Vệ sinh lọc gió điều hoà ô tô
Lọc gió điều hoà ô tô (Cabin Filter) có vai trò lọc bụi bẩn, dị vật trong không khí trước khi đi vào hệ thống điều hoà. Do đó sau một thời gian dài hoạt động, lọc gió sẽ bám đầy bụi bẩn, làm giảm hiệu quả lọc, thậm chí tắc nghẽn. Lọc gió ô tô bị bẩn không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng không khí và hoạt động của hệ thống điều hoà, mà còn là nguyên nhân khiến điều hoà ô tô có mùi hôi.
Vì thế cần vệ sinh lọc gió điều hoà thường xuyên để đảm bảo chất lượng không khí trong xe luôn tốt, cũng như giúp hệ thống điều hoà hoạt động hiệu quả. Theo khuyến cáo từ nhà sản xuất nên vệ sinh lọc gió điều hoà ô tô sau mỗi 5.000 km vận hành, thay lọc gió điều hoà ô tô định kỳ sau mỗi 15.000 – 20.000 km.
Vệ sinh quạt gió dàn lạnh điều hoà ô tô
Giống như điều hoà thông thường, điều hoà ô tô cũng có một hệ thống quạt gió nằm trong hệ thống dàn lạnh. Sau thời gian dài làm việc, quạt gió này cũng dễ bị bám bụi bẩn, làm giảm hiệu quả hoạt động cũng như ảnh hưởng đến chất lượng luồng gió thổi ra. Do đó cần vệ sinh quạt gió điều hoà định kỳ.
Cách tháo quạt gió dàn lạnh
Quạt gió dàn lạnh thường nằm ở khu vực dưới taplo bên ghế phụ (khu vực để chân). Ngay dưới hộp đựng đồ của taplo bên phụ có các chốt để mở ốp nhựa phía dưới. Chỉ cần bậc mở các chốt này, nhẹ nhàng mở ốp nhựa là sẽ thấy quạt gió bên trong. Trước khi lấy quạt gió ra ngoài bạn cần tháo chốt dây điện, mở các ốc cố định.
Cách vệ sinh quạt gió dàn lạnh
Do quạt gió làm bằng nhựa nên bạn có thể xịt rửa trực tiếp với nước. Tuy nhiên chú ý chỉ rửa phần cánh quạt màu trắng, không nhúng cả quạt gió vào nước.
Để vệ sinh quạt gió dàn lạnh tốt nhất nên đưa phần cánh quạt màu trắng dưới vòi nước đang xả. Dù cọ để quét rửa sạch các vết bẩn. Trong quá trình vệ sinh cố gắng không để nước dính vào phần hệ thống điện ở phía sau. Sau khi rửa sạch hãy lau khô rồi lắp lại quạt gió vào vị trí cũ.
Vệ sinh cửa gió dàn lạnh ô tô
Luồng hơi lạnh từ điều hoà hay luồng gió từ quạt gió đều thổi vào cabin xe ô tô qua hệ thống cửa gió (còn gọi là miệng gió). Cũng như nhiều chi tiết khác bên trong nội thất ô tô, sau một thời gian, cửa gió điều hoà cũng bị bám bụi bẩn.
Cách vệ sinh cửa gió điều hòa ô tô
Cách vệ sinh cửa gió điều hoà ô tô không phức tạp nhưng sẽ hơi khó do thiết kế đặc trưng của cửa gió là những thanh ngang xếp tầng có khoảng cách khá hẹp.
Để vệ sinh cửa gió bạn có thể sử dụng máy hút bụi ô tô mini, chọn đầu hút dẹp để hút sạch bụi. Sau đó lau qua bằng khăn ẩm hoặc khăn giấy ướt. Cuối cùng lau lần nữa bằng khăn khô hoặc khăn giấy khô.
Bạn cũng có thể sử dụng chai xịt vệ sinh nội thất ô tô để xịt vào các cửa gió điều hoà. Đợi tầm 5 – 10 phút rồi lau lại bằng khăn khô.
Hiện nay ở các cửa hàng ô tô có một số loại dụng cụ có thiết kế thông minh giúp vệ sinh cửa gió rất tiện. Bạn có thể mua về sử dụng để việc vệ sinh nhanh, dễ và sạch hơn.
Vệ sinh dàn lạnh ô tô
Sau thời gian dài sử dụng, dàn lạnh ô tô không chỉ bị bám bẩn mà còn dễ tích tụ vi khuẩn, nấm mốc, dịch nhầy… do thường xuyên bị hơi ẩm. Dàn lành ô tô bị bẩn sẽ làm hiệu quả làm lạnh giảm đi đáng kể, tạo áp lực lớn lên lốc điều hoà và cả hệ thống điều hoà, gây tiêu hao nhiên liệu… Đây chính là một trong các lý do khiến điều hoà ô tô không mát, điều hoà bị kêu…
Bên cạnh đó dàn lạnh ẩm, bẩn còn làm giảm chất lượng, sự trong lành của không khí, khiến điều hoà dễ bị mùi hôi. Lâu ngày sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ người dùng.
Chính nguyên nhân này mà các nhà sản xuất ô tô khuyến cáo nên vệ sinh dàn lạnh điều hoà xe ô tô định kỳ mỗi năm một lần hoặc sau mỗi 20.000 – 30.000 km vận hành.
Cách tự vệ sinh dàn lạnh ô tô tại nhà
Dàn lành ô tô nằm sâu bên trong, có cấu tạo khá phức tạp nên khó thể tự vệ sinh tại nhà. Tuy nhiên định kỳ sau 1 – 3 tháng, bạn cũng có thể tự vệ sinh, khử ẩm, khử mùi cho dàn lạnh bằng dung dịch vệ sinh dàn lạnh ô tô chuyên dụng. Loại dung dịch này hiện này được bày bán rất phổ biến, dung dịch ở dạng chai xịt sử dụng rất đơn giản.
Cách vệ sinh dàn lạnh điều hòa ô tô như sau:
Bước 1: Tắt hết toàn bộ hệ thống điện trên xe, nhất là hệ thống quạt gió, điều hoà xe. Đóng kín toàn bộ cửa kính xe.
Bước 2: Phun xịt dung dịch vệ sinh điều hòa ô tô vào tất cả cửa gió điều hoà trên xe.
Bước 3: Bật điều hoà và quạt gió xe ở mức cao nhất. Chọn chế độ điều hoà lấy gió trong. Điều này sẽ tạo sự luân chuyển không khí, dung dịch vệ sinh theo đó được đưa vào trong hệ thống.
Bước 4: Tìm vị trí hốc lấy gió trong của điều hoà ô tô, thường nằm ở gần sàn xe bên trái ghế lái. Trong khi điều hoà đang hoạt động ở chế độ lấy gió trong, xịt phun lượng lớn dung dịch vệ sinh điều hoà ô tô vào vị trí này.
Bước 5: Tiếp đến tắt điều hoà, chỉ để lại quạt gió ở mức cao nhất. Điều này giúp không khí lưu thông nhiều hơn, khử độ ẩm. Với các trường hợp máy lạnh xe ô tô có mùi hôi nặng nên mở thay mới bọc lọc gió máy lạnh, đồng thời xịt dung dịch vào các đường nạp.
Bước 6: Tắt hết hệ thống điều hoà và quạt gió, hạ hết cửa kính, chạy xe trong tầm 5 – 10 phút.
Cách trên ngoài có tác dụng vệ sinh điều hoà còn là cách khử mùi điều hoà ô tô rất hiệu quả.
Vệ sinh dàn lạnh ô tô chuyên nghiệp
Kết hợp với cách tự vệ sinh trên, định kỳ mỗi năm hoặc sau 20.000 – 30.000 km nên đưa xe ô tô đến garage để được vệ sinh dàn lạnh bằng các phương pháp chuyên nghiệp. Với các phương pháp này, dàn lạnh và hệ thống đường ống dẫn lạnh sẽ được loại bỏ sạch hơi ẩm, mùi hôi, cặn bẩn, vi khuẩn, nấm mốc…
Có 2 phương pháp vệ sinh dàn lạnh ô tô:
Vệ sinh dàn lạnh ô tô truyền thống
Thợ sẽ tiến hành tháo mở để đưa dàn lạnh ô tô ra ngoài và vệ sinh từng chi tiết một. Ưu điểm của cách này là có thể vệ sinh triệt để.
Vệ sinh dàn lạnh ô tô nội soi
Với phương pháp vệ sinh dàn lạnh nội soi, đầu tiên thợ sẽ đưa camera vào soi bên trong để kiểm tra đánh giá độ bẩn của giàn lạnh. Sau đó dùng súng khí nén để xịt dung dịch vệ sinh chuyên dụng vào dàn lạnh.
Ưu điểm của cách này là không cần tháo mở dàn lạnh phức tạp như cách truyền thống, không cần xả ga/nạp ga điều hoà, hạn chế các rò rỉ do không phải tháo mở/lắp đặt, thời gian vệ sinh nhanh hơn...
Các dịch vụ vệ sinh dàn lạnh ô tô hiện sẽ bao gồm luôn cả vệ sinh lọc gió và quạt gió điều hoà ô tô.
Vệ sinh dàn nóng điều hoà ô tô
Sau một thời gian hoạt động dàn nóng điều hoà ô tô cũng bị bám bụi bẩn, thậm chí còn nhiều bụi bẩn hơn so với dàn lạnh do nằm ngay phía đầu của khoang động cơ. Dàn nóng bị bẩn sẽ khiến quá trình xả nhiệt bị cản trở. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của hệ thống điều hoà nhất là lốc điều hoà. Đây chính là nguyên nhân khiến điều hoà không mát, lốc điều hoà bị hư...
Cách vệ sinh dàn nóng điều hoà ô tô
Vệ sinh dàn nóng ô tô không phức tạp như dàn lạnh do dàn nóng nằm ngay đầu khoang động cơ xe. Vì thế có thể dùng vòi nước để xịt rửa trực tiếp. Tuy nhiên xịt rửa dàn nóng máy lạnh xe hơi cũng cần có kỹ thuật để không ảnh hưởng đến các chi tiết khác bên trong khoang động cơ. Nếu chưa có kinh nghiệm tốt nhất nên đưa xe đến garage để vệ sinh.
Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người trên:
Bài có nhiều người đọc
-
Điểm danh những chiếc xế hộp màu hường tiền tỷ của mỹ nhân Việt
Những người đẹp Việt không những có niềm đam mê với xe sang mà còn có chung một sở thích đặc biệt với những màu hồng nổi bật mỗi khi xuống phố.
-
Những chiếc siêu xe Rolls-Royce Phantom độc đáo nhất thế giới
Rolls-Royce Phantom là một trong những dòng xe siêu sang danh giá bậc nhất hiện nay. Tuy nhiên, chưa bằng lòng với vẻ đẹp nguyên thủy của nhà sản xuất, nhiều đại gia trên thế giới đã cho độ lại chiếc xe của mình theo phong cách độc, lạ.
-
Tại sao Range Rover Evoque khiến nhiều người "mê mẩn" đến vậy?
Range Rover Evoque - chiếc xe nhỏ nhất trong dải sản phẩm của Range Rover hấp dẫn nhiều người nhờ thiết kế khác biệt và khả năng vận hành mạnh mẽ, linh hoạt.
-
Loạt tính năng mới trên BMW X3 2021
Nhà phân phối trang bị thêm tính năng và phiên bản cho dải sản phẩm BMW X3 2021 tại Việt Nam, kỳ vọng tăng sức cạnh tranh trong phân khúc SUV hạng sang.